2.2. Các chủng loại rau quả xuất sang thị trường Nhật Bản
2.2. Các chủng loại rau quả xuất sang thị trường Nhật Bản
Theo Viện Chính sách và chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn (Bộ NN-PTNT), năm 2022, ngành nông nghiệp có nhiều mặt hàng xuất khẩu tăng trưởng mạnh ở thị trường EU so với năm 2021. Cụ thể, giá trị xuất khẩu cà phê trong 10 tháng năm 2022 tăng 42,1%; gạo tăng 63,9%, rau quả tăng 20,2%; thủy sản tăng 32,9%... Đặc biệt, khi các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, trong đó có Hiệp định EVFTA được thực thi, nhiều loại thuế quan được cắt giảm giúp nông sản VN dễ xâm nhập thị trường EU hơn. Thực tế, các doanh nghiệp khối EU quan tâm nhiều hơn đến thị trường VN. Cũng theo Viện Chính sách và chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn, một trở ngại lớn của hàng VN xuất khẩu vào EU là phải đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe về chất lượng an toàn thực phẩm, xu hướng tiêu dùng xanh của EU.
Ông Đinh Cao Khuê, Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Công ty cổ phần thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao, cho rằng các doanh nghiệp không nên e ngại thị trường EU vì đây là thị trường có yêu cầu cao về chất lượng, phải có đủ số lượng hàng cung cấp thường xuyên, sản xuất ổn định quanh năm. Nếu doanh nghiệp xây dựng được vùng nguyên liệu, kiểm soát nguồn nguyên liệu đạt chuẩn, có nhà máy chế biến hiện đại… sẽ từng bước đáp ứng các tiêu chuẩn về chất lượng, kỹ thuật để đặt chân được vào thị trường EU, rộng hơn là cả châu Âu. Cũng theo ông Khuê, đối với ngành rau quả, châu Âu là thị trường nhập khẩu rất lớn, chiếm 45% tổng nhu cầu của cả thế giới, trong đó VN có nhiều mặt hàng rau quả nhiệt đới là thế mạnh so với nhiều nước khác.
Còn theo bà Đỗ Linh Nhâm, nếu xét về khoảng cách địa lý, Mỹ và EU không phải là những thị trường lợi thế trong khi rau quả của VN chủ yếu xuất khẩu tươi. Nhưng ở những thị trường này có nhu cầu rất lớn đối với các sản phẩm rau quả chế biến, đóng hộp. Theo đó, bà Nhâm cho rằng để chủ động có nguồn hàng xuất khẩu ổn định quanh năm, các doanh nghiệp nên đầu tư vào công nghệ chế biến sâu.
Ông Nguyễn Đình Tùng cho hay đầu tháng 2 đã có khoảng 20 doanh nghiệp VN tham gia hội chợ trái cây lớn nhất thế giới tại Đức và có một số hợp đồng được ký kết thành công. Ngoài ra, từ sau khi Trung Quốc mở cửa biên giới đến nay, Hiệp hội Rau quả VN đón nhiều đoàn doanh nghiệp đến từ Đông Âu sang tìm hiểu các vùng sản xuất rau quả. Còn tại Mỹ, xuất khẩu nhiều mặt hàng trái cây dự báo tăng mạnh trong năm nay.
Mỗi thị trường EU, Mỹ đều đặt ra những hàng rào kỹ thuật, tiêu chuẩn chất lượng khác nhau nên để xuất khẩu bền vững vào các thị trường này, doanh nghiệp VN cần đáp ứng tiêu chuẩn về mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói, kiểm soát chặt chẽ và loại bỏ việc sử dụng các hoạt chất, thuốc bảo vệ thực vật bị cấm; khắc phục tình trạng vùng nguyên liệu nhỏ lẻ, manh mún diễn ra trong nhiều năm nay. Ngoài ra, các doanh nghiệp nên ưu tiên đầu tư vào công nghệ bảo quản, công nghệ chế biến rau quả để thúc đẩy xuất khẩu đến nhiều thị trường hơn. t
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, 5 tháng đầu năm 2024, kim ngạch xuất khẩu rau quả đạt 2,59 tỷ USD, tăng 28,1% so với cùng kỳ năm 2023. Nhiều mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu cao như sầu riêng, thanh long, chuối, mít, ớt...
Tăng đều cả diện tích, sản lượng và kim ngạch
Ông Nguyễn Như Cường, Cục trưởng Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết: Dự kiến hết năm 2024, tổng diện tích cây ăn quả cả nước đạt khoảng 1,29 triệu héc-ta, tăng khoảng 20.000 ha so với năm 2023. Tổng sản lượng quả thu hoạch trong 5 tháng đầu năm 2024 là hơn 4,4 triệu tấn; tổng sản lượng cả năm ước đạt hơn 13,5 triệu tấn, tăng khoảng 3,4% so với năm 2023. Diện tích và sản lượng rau năm 2024 cũng tăng đáng kể khi sản xuất khoảng 1,03 triệu héc-ta, tăng khoảng 30.000 ha so với năm 2023; sản lượng dự kiến đạt 19,7 triệu tấn, cao hơn năm 2023 khoảng 624.000 tấn. Riêng 5 tháng đầu năm 2024, diện tích rau cả nước sản xuất khoảng 652.800 ha, tăng 1,6% so với cùng kỳ năm 2023; sản lượng đạt khoảng 12,5 triệu tấn, đây chính là nguồn cung dồi dào phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Đặc biệt, tại thời điểm này, nhiều loại trái cây vùng Đồng bằng sông Cửu Long đang bước vào chính vụ như sầu riêng, thanh long, dứa, dưa hấu, xoài, nhãn, vải... sẽ tạo ra lượng hàng hóa lớn cho cả xuất khẩu tươi và chế biến sâu.
Theo Hiệp hội Rau quả Việt Nam, tính riêng quý I/2024, kim ngạch xuất khẩu một số loại quả đã tăng hơn so với cùng kỳ năm 2023, trong đó sầu riêng tăng 63,3%, đạt gần 251,94 triệu USD; thanh long tăng 4,9%, đạt 171,85 triệu USD; chuối tăng 25,6%, đạt 142,37 triệu USD; mít tăng 46,1%, đạt 81,15 triệu USD; xoài tăng 46,7%, đạt 76,5 triệu USD; dưa hấu tăng 65,7%, đạt 56,42 triệu USD... Đáng chú ý, tốc độ xuất khẩu nhiều loại trái cây ghi nhận mức tăng trưởng 3 con số như: dừa tăng 112,6%; nhãn tăng 159,9%; hạt mắc-ca tăng 113,9%; hạnh nhân tăng 274,4%.
Thị trường xuất khẩu chính của các loại rau quả Việt Nam là Trung Quốc, Hàn Quốc, Mỹ, Nhật Bản, Thái Lan, Hà Lan, Australia... Tại thị trường Trung Quốc, Việt Nam đã vượt Thái Lan và Philippines, trở thành nhà cung cấp sầu riêng và chuối lớn nhất cho thị trường này. Theo Phó Cục trưởng Bảo vệ thực vật Nguyễn Quang Hiếu, Cục đã hoàn tất hồ sơ để chuẩn bị ký nghị định thư xuất khẩu sầu riêng đông lạnh vào thị trường Trung Quốc. Đồng thời cũng đã hướng dẫn các tổ chức, cá nhân có nhu cầu đăng ký vùng trồng, cơ sở đóng gói sầu riêng đông lạnh xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc hoàn thiện các hồ sơ, nội dung liên quan. Khi Nghị định thư được ký kết, kim ngạch xuất khẩu sầu riêng sang Trung Quốc chắc chắn sẽ tăng trưởng “bùng nổ” hơn nữa, đưa sầu riêng trở thành một ngành hàng lớn mạnh.
Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Xuất nhập khẩu Vina T&T Nguyễn Đình Mười cho biết: Năm 2024, xuất khẩu trái cây của công ty có nhiều cơ hội tăng trưởng do cả yếu tố sản xuất và mở rộng thị trường. Mỹ và châu Âu là thị trường xuất khẩu chính của Vina T&T. Ngoài ra, công ty còn xuất khẩu sang Australia, Nhật Bản, Hàn Quốc. Hiện tại Vina T&T đã đưa được trái sầu riêng cấp đông vào thị trường Mỹ; xuất khẩu vải thiều sang Thái Lan. Một trong những thuận lợi của công ty là nguồn nguyên liệu ổn định nhờ người dân đã có tư duy về sản xuất trái cây trái vụ, cho nên có những loại sản phẩm công ty có thể xuất khẩu quanh năm.
Thị trường xuất khẩu nhiều thuận lợi
Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) cho rằng, hoạt động xuất khẩu rau quả của Việt Nam sẽ tiếp tục thuận lợi trong thời gian tới nhờ nguồn cung nội địa dồi dào, nhu cầu các thị trường truyền thống và tiềm năng đều có xu hướng tăng.
Cụ thể như tại thị trường xuất khẩu rau quả lớn nhất của Việt Nam là Trung Quốc, thị phần hàng rau quả của Việt Nam đã tăng mạnh từ 7,9% năm 2022 lên 13,99% năm 2023. Trong quý I/2024, trị giá nhập khẩu hàng rau quả của Trung Quốc đạt 6,6 tỷ USD, tăng 5,85% so với cùng kỳ năm 2023; trong đó, trị giá nhập khẩu từ Việt Nam chiếm 9,4%. Thời gian tới, các doanh nghiệp Việt Nam cần tập trung chú ý đến xu hướng tiêu dùng mới của thị trường Trung Quốc đối với các mặt hàng rau quả, nhất là trái cây để tăng thị phần. Cụ thể, đối với trái sầu riêng, nhu cầu tiêu dùng sản phẩm đã qua chế biến đang gia tăng nhanh chóng do giá sầu riêng tươi cao, ít người có khả năng mua nguyên trái trong khi sầu riêng chế biến có giá cả phải chăng và phù hợp hơn với thị hiếu giới trẻ.
Ngoài thị trường Trung Quốc, những tháng đầu năm 2024 cũng ghi nhận bước phát triển mới trong xuất khẩu rau quả của Việt Nam vào Thái Lan mặc dù đây là quốc gia xuất khẩu nông sản hàng đầu thế giới và có nhiều loại sản phẩm tương đồng với Việt Nam.
Tham tán Thương mại, Thương vụ Việt Nam tại Thái Lan Lê Hữu Phúc cho biết: Thái Lan hiện là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam trong ASEAN. Rau quả Việt Nam xuất khẩu sang Thái Lan trong 4 tháng đầu năm 2024 đạt gần 60 triệu USD, tăng đến 95% so với cùng kỳ năm 2023. Xuất khẩu rau quả của Việt Nam vào Thái Lan hiện cao hơn tổng xuất khẩu rau quả của Việt Nam vào tất cả các quốc gia còn lại trong ASEAN. 4 tháng đầu năm 2024, Thái Lan cũng nhập khẩu số lượng lớn sầu riêng của Việt Nam và trở thành khách hàng lớn thứ hai, sau Trung Quốc. Theo đó, Thái Lan đã nhập 22,5 triệu USD mặt hàng sầu riêng của Việt Nam, tăng 82% so với cùng kỳ năm 2023. Nguyên nhân là do năm nay nắng nóng bất thường, sầu riêng Thái Lan mất mùa và chín không đều, khi xuất khẩu hay bị nứt cho nên sản lượng thu mua sầu riêng từ Việt Nam gia tăng đột biến.
Ngoài thị trường châu Á, nhu cầu nhập khẩu hàng rau quả tại các thị trường mới cũng có xu hướng tăng. Theo số liệu thống kê từ Trung tâm Thương mại Quốc tế (ITC), năm 2023, nhập khẩu hàng rau quả của Anh đạt 17,9 tỷ USD, tăng 5,9% so với năm 2022. Thị trường Anh với gần 68 triệu dân, thu nhập bình quân cao, nhu cầu đa dạng với cộng đồng người gốc Á hơn 5,5 triệu người là điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu rau quả.
Đối với thị trường EU, Tham tán nông nghiệp Việt Nam tại Bỉ và EU Trần Văn Công cho biết: Hằng năm, EU nhập khẩu rau quả khoảng 101,9 tỷ USD, chiếm gần 40% kim ngạch nhập khẩu toàn cầu. Trong đó rau 36,4 tỷ USD và trái cây đạt 65,5 tỷ USD. EU nhập khẩu rau quả từ các nước bên ngoài khối khoảng 35 tỷ USD, trong đó nhập khẩu từ Việt Nam là 228 triệu USD trong năm 2023. Đây là dư địa thị trường rất lớn cho ngành rau quả Việt Nam khai thác trong thời gian tới nhằm hướng tới mục tiêu tăng trưởng cao hơn.